Tỷ lệ rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) ở cựu chiến binh

Thảo luận trong 'Psyhub' bắt đầu bởi Quái Vật Mơ Mộng, 27/7/21.

  1. Quái Vật Mơ Mộng

    Quái Vật Mơ Mộng Dust

    Tham gia ngày:
    5/7/21
    Bài viết:
    3

    Nguồn bài dịch: The Rates of PTSD in Military Veterans. (2020). Trích xuất từ verywellmind.com:
    https://www.verywellmind.com/rates-of-ptsd-in-veterans-2797430
    Người dịch: Quái Vật Mơ Mộng
    Người edit: Nhược Hư Tước




    TỶ LỆ RỐI LOẠN CĂNG THẲNG HẬU SANG CHẤN Ở CỰU CHIẾN BINH


    MỤC LỤC
    · Cựu binh chiến tranh Việt Nam
    · Cựu binh chiến tranh Vịnh Ba Tư
    · Xung đột Iraq/ Afghanistan
    · Điều trị cho cựu chiến binh
    · Kết luận


    Nhìn vào bất cứ một cuộc chiến hay xung đột nào, tỷ lệ rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) ở cựu chiến binh là khá cao. Suốt chiều dài lịch sử, người ta đã nhận ra việc tiếp xúc với các trận chiến có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của những người có liên quan đến các tình huống này.

    Thực tế, việc chẩn đoán PTSD có nguồn gốc lịch sử từ việc quan sát tác động của chiến trận lên các chiến binh. Nhóm các triệu chứng dùng để chỉ PTSD đã được mô tả trong quá khứ như là “kiệt quệ chiến tranh” (combat fatigue), “sốc vỏ đạn” (shell shock) hay “loạn thần kinh chiến tranh” (war neurosis).

    Vì lí do này, các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến việc xem xét phạm vi xuất hiện của PTSD ở các cựu chiến binh. Tỷ lệ mắc PTSD ở các cựu binh tham gia chiến tranh Việt Nam, cựu binh tham gia chiến tranh vịnh Ba Tư và cựu binh tham gia chiến tranh Iraq được cung cấp ở dưới.

    PTSD ở cựu binh chiến tranh Việt Nam

    Năm 1983, Quốc hội Mỹ chỉ thị Bộ Cựu chiến binh vụ Hoa Kỳ thực hiện một nghiên cứu để hiểu rõ hơn tác động về mặt tâm lý của việc tham gia chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam. Nghiên cứu về quá trình tái thích nghi của cựu chiến binh quốc gia tham gia chiến tranh Việt Nam (National Vietnam Veterans Readjustment Study - NVVRS) tìm ra rằng khoảng 15% trong số 2.7 triệu người Mỹ phục vụ trong chiến tranh Việt Nam mắc PTSD.

    Tuy nhiên, tác động của việc tham gia vào chiến tranh Việt Nam đến cuộc đời của một người thậm chí còn lớn hơn. Khoảng 30% đàn ông và 27% phụ nữ bộc lộ một số dạng của PTSD bán phần vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời sau chiến tranh ở Việt nam.


    Ngày nay, qua 40 năm, những khám phá mới được báo cáo bởi nghiên cứu sâu rộng về cựu chiến binh quốc gia tham gia chiến tranh Việt Nam (National Vietnam Veterans Longitudinal Study - NVVLS) chỉ ra rằng khoảng 271,000 cựu chiến binh Việt Nam vẫn phải chịu đựng PTSD và các rối loạn trầm cảm khác, cho thấy dịch vụ sức khỏe tinh thần cho các cựu binh là cần thiết ngay cả khi họ đã quay về từ chiến trận. Từ một chỉ thị khác của Quốc hội, NVVLS khảo sát nhiều cựu chiến binh Việt Nam đã từng được đánh giá bởi NVVRS, tuy nhiên một số lượng lớn những người tham gia đã qua đời sau đó.

    PTSD ở cựu chiến binh vịnh Ba Tư

    Mặc dù chiến tranh vịnh Ba Tư chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tác động của nó không hề kém sang chấn hơn so với các cuộc chiến khác. Từ thời điểm chiến tranh vịnh Ba Tư chấm dứt năm 1991 tới nay, nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần đã được ghi nhận ở các cựu chiến binh.

    Các nghiên cứu khảo sát về sức khỏe tinh thần của các cựu chiến binh vịnh Ba Tư không đồng nhất, với một số khám phá chỉ ra rằng tỷ lệ PTSD gây ra bởi chiến tranh vịnh Ba Tư thấp hơn so với các cuộc chiến khác, trong khoảng từ 8-16%. Một số trong đó lại ước tính rằng tỷ lệ này cao hơn so với các số liệu tìm thấy ở các cựu chiến binh không tham chiến tại vịnh Ba Tư.


    PTSD ở các cựu chiến binh tham gia xung đột Iraq và Afghanistan

    Xung đột giữa Iraq và Afghanistan vẫn đang diễn ra. Đó là lý do vì sao toàn bộ tác động của cuộc chiến lên sức khỏe tinh thần của các chiến binh tại Iraq vẫn chưa được biết đến.

    Một nghiên cứu được công bố năm 2004 quan sát các thành viên của bốn lực lượng bộ binh chiến đấu Mỹ (ba đơn vị quân đội và 1 đơn vị Hải quân) đã từng phục vụ tại Iraq và Afghanistan và phát hiện ra rằng chiến sĩ được phân công đến Iraq phải tiếp xúc nhiều với chiến trận hơn những người được phân công đến Afghanistan. Như vậy, trong số những cựu binh tham gia nghiên cứu, PTSD phổ biến hơn ở những người trở về từ Iraq (15-17%) so với những người quay về từ Afghanistan (11%).

    Một nghiên cứu từ các chiến sĩ của lực lượng vũ trang làm bật lên ảnh hưởng bất biến của chiến trận bằng cách quan sát tỉ lệ PTSD 3 tháng và 12 tháng sau triển khai quân ngũ. Tỷ lệ từ 9 đến 32% được ghi nhận nói chung, nhưng điều quan trọng hơn là sự dai dẳng của các triệu chứng một năm sau khi quay về. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ lạm dụng rượu bia cho việc tự điều trị - một phương pháp tự trị liệu đầy rủi ro cho PTSD - cũng cao.

    Điều trị PTSD cho cựu chiến binh

    Phương pháp điều trị cho PTSD đa chiều, bao gồm cấp thuốc, tham vấn và trong những năm gần đây, các phương pháp điều trị dựa trên nhận thức thực tại (mindfulness-based treatment) đã cung cấp một sự thay thế cho việc kiểm soát PTSD và đau mạn tính.

    Mặc dù một số nhà nghiên cứu nói rằng liệu pháp phơi bày (exposure therapy) tập trung vào sang chấn không phải lúc nào cũng được khuyến khích cho đa số cựu chiến binh mắc PTSD, một nghiên cứu năm 2019 lại đề xuất ngược lại. Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên kết luận rằng liệu pháp phơi bày không gia tăng nguy cơ trầm trọng hóa triệu chứng PTSD ở những người tham gia.

    Kết luận

    Bất kể cuộc chiến nào, các chiến sĩ tham gia vào chiến đấu đồng loạt thể hiện tỉ lệ cao rối loạn căng thẳng hậu sang chấn. Nếu bạn là một cựu chiến binh, Trung tâm rối loạn căng thẳng hậu sang chấn Quốc gia (Mỹ) cung cấp một số thông tin quan trọng về việc đối phó với dư chấn chiến tranh. Nếu bạn quay về từ Iraq, thông tin về Trung tâm chuyển giao Cựu chiến binh và các tư liệu bổ sung cũng được cung cấp. Và, nếu bạn là thành viên gia đình có cựu chiến binh, thông tin cần thiết cũng có sẵn liên quan với việc sống cùng và quan tâm đến người có PTSD.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/7/21
    Cà MeoNhược Hư Tước đã thả thính cho thớt.

Chia sẻ trang này