Synesthesia: Khi âm nhạc có màu và thị giác có...mùi vị?

Thảo luận trong 'Psyhub' bắt đầu bởi Ngọn cỏ ven đường, 7/7/21.

  1. Ngọn cỏ ven đường

    Ngọn cỏ ven đường Will he do the fandango??? Ban quản trị

    Tham gia ngày:
    4/7/21
    Bài viết:
    82
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    Lao công dọn chuồng
    Nơi ở:
    Sở thú






    Synesthesia: Khi âm nhạc có màu và thị giác có...mùi vị?
    Đã bao giờ bạn tự hỏi liệu mọi người trên thế giới đều nhìn nhận sự vật xung quanh giống như bạn? Đã bao giờ bạn nghe một bài hát và nhìn thấy đủ màu sắc hiện lên trong đầu mình chưa? Hay bạn đã bao giờ nghe thấy một âm thanh và ngửi thấy một mùi hương cùng một lúc chưa? Hay bạn đã bao giờ nếm một món ăn và nhìn thấy “màu sắc” của món ăn đó hiện lên trong đầu mình chưa? Hay mỗi khi bạn nghĩ tới thứ tự của bảy ngày trong tuần, nó sẽ luôn có dạng chữ Z, chữ S, hình tròn, và mỗi ngày trong tuần lại có một màu sắc khác nhau? Nếu bạn trả lời ‘Có’ trong một những câu hỏi trên thì có lẽ bạn có SYNESTHESIA (Cảm giác kèm).

    Nói một cách đơn giản thì Synesthesia là một điều kiện cơ thể mà trong đó khi bạn trải nghiệm một giác quan thì sẽ có một (hoặc hơn) giác quan sẽ được kích hoạt theo. Đó là sự pha trộn giữa các giác quan. Có nhiều loại synesthesia khác nhau, được Novich (2011) phân loại thành 5 dạng:
    • Colored Sequences synesthesia (tạm dịch: cảm giác kèm dãy-màu sắc): Nhìn thấy màu sắc trong những dãy số, chữ cái, thành phần của một chuỗi thứ tự nào đó. “Nhìn thấy” ở đây không nhất thiết có nghĩa là họ luôn nhìn thấy chữ số hiện rõ trước mắt mà là mỗi khi họ nghĩ với chữ cái/con số đó thì nó sẽ auto có một màu nhất định. Mặc dù trong một số trường hợp thì đúng thật là họ có thể mình thấy chúng sờ sờ trước mắt thật. Ví dụ như khi nghĩ tới chữ N thì sẽ luôn là màu đỏ, hay số 5 luôn là màu xanh, hay thứ Ba luôn là màu tím, etc.
      • Trong đó bao gồm một dạng nhỏ tên là Grapheme-color synesthesia (cảm giác kèm tự vị-màu sắc): nhìn thấy một màu sắc cố định cho một chữ cái hoặc một con số. Ví dụ như luôn nhìn thấy số 3 màu đỏ, hay chữ L màu cam, v.v… Là loại synesthesia được nhiều người nghiên cứu nhất.
    • Colored music synesthesia (tạm dịch: cảm giác kèm âm nhạc-màu sắc): Thấy màu sắc khi nghe một nốt nhạc, giai điệu, hòa âm, âm thanh của nhạc cụ. Ví dụ như nghe nốt Đô thì thấy màu xanh, nghe nốt Rê thì thấy màu đỏ, vân vân.

    • Colored sensation synesthesia (tạm dịch: cảm giác kèm cảm xúc-màu sắc): Thấy màu sắc khi có tiếp xúc vật lý (da chạm da hoặc là da chạm vào các bề mặt) hoặc khi đang trải qua cảm xúc nhất định (thấy màu vàng khi vui)
    • Spatial sequences synesthesia (Tạm dịch: Cảm giác kèm không gian-dãy): Nhìn thấy dạy kí tự, dãy số, hoặc các ngày trong tuần, tháng trong năm có một vị trí cố định trong không gian. Ví dụ như khi nghĩ tới bảy ngày trong tuần thì nó sẽ xếp thành hình tròn, hay nghi tới 12 tháng trong năm thì thấy chúng nó xếp hình thoi hoặc hình chữ Z. Hoặc một ví dụ khác là giáo sư trong trường của mình, cô ấy chia sẻ là cô luôn nhìn thấy Thứ Năm nằm ở một góc cố định trong không gian khi cô nghĩ về nó.
    • Non-Visual sequelae synesthesia (tạm dịch: Cảm giác kèm di chứng phi thị giác): Cơ bản là thay vì “nhìn thấy” thì bạn sẽ ngửi thấy, nghe thấy, cảm thấy, nếm thấy (ví dụ như nhìn số 1 thì ngửi thấy mùi cam, nhìn số 2 ngửi thấy mùi dâu, nghe nhạc thì nếm thấy vị ngọt, vân vân và mây mây)
    Ngoài ra trong nghiên cứu của Rouw (2016) còn có thêm một dạng nữa là Sequences personality synesthesia (tạm dịch: cảm giác kèm nhân cách hóa dãy): Cảm thấy những dãy số, kí tự hoặc các ngày trong tuần có tính cách khác nhau.

    Vậy tại sao một số người lại có synesthesia? Điều gì tạo ra những trải nghiệm dùng 1 tặng 1 cho những người có synesthesia? Câu trả lời là… Không ai biết hết. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các nhà khoa học không có lời giải thích nào cho hiện tượng thú vị này. Hiện nay có hai lời giải thích phổ biến nhất cho hiện tượng synesthesia:

    1/ Có người cho rằng synesthesia là do không có đủ sự ức chế các xung thần kinh trong não bộ. Có lẽ một phép so sánh sẽ giúp bạn dễ hiểu hơn. Hãy tưởng tượng rằng não bộ giống như một giao lộ cỡ lớn với gần chục cái đèn giao thông để quản lí và điều khiển hướng xe chạy. Trong một giao lộ bình thường, sẽ có một số dòng xe được phép đi trong khi những xe khác phải chờ đèn đỏ. Tuy nhiên, với những người có synesthesia thì giao lộ của họ không có cái đèn giao thông nào hết! Và mạnh ai muốn chạy thì chạy. Theo David Eagleman thì synesthesia cũng giống vậy, đó là khi hai khu vực trong não phụ trách xử lí hai mảng khác nhau (màu sắc và kí tự, âm thanh và màu sắc, xúc giác và vị giác, etc.) nằm gần nhau, và chúng liên tục bắn đi những xung thần kinh không ngừng nghỉ giống như một cái giao lộ không có đèn giao thông và mọi người cứ thế mà đi theo ý họ (Eagleman & Goodale, 2009).

    2/ Nhưng cũng có người cho rằng synesthesia là không phải là do thiếu đi sự ức chế các xung thần kinh mà là do các dây thần kinh nằm quá gần với nhau, gần tới mức đôi khi chúng lấn sang thẩm quyền của nhau. Những dây thần kinh lúc này giống như hàng xóm tối tửa tắt đèn có nhau. Chúng nằm cạnh nhau và những đường dẫn truyền nơ-ron thần kinh của chúng vô tình nằm chéo nhau. Kích thích một chỗ thì cũng kích thích luôn chỗ kia, giống như bức tường cách âm giá rẻ ở phòng trọ bạn không giúp ích gì cho việc ngăn chặn tiếng ồn của nhà kế bên vậy. Một nhà cháy thì cả xóm cháy (Hubbard & Ramachandran, 2005).

    Tác giả của giả thuyết này (cùng đồng nghiệp) cũng cho rằng mỗi người trong chúng ta đều có một chút synesthesia, những người được xem là ‘có synesthesia’ chẳng qua là có nhiều hơn ‘một chút’. Điều đó giải thích cho việc tại sao chúng ta nghe thấy và miêu tả “giọng ca ấm áp” hay “một giọng nói lạnh lùng”, hay màu “buồn” và màu “vui.” Nếu suy xét ra thì, giọng nói/hát nào cũng là giọng, tại sao có giọng được gọi là ‘ấm,’ có giọng được coi là ‘lạnh’? Có phải kích thích thính giác (giọng nói) cũng mang lại cho chúng ta một chút xíu xiu kích thích xúc giác (cảm giác ấm/lạnh)?

    Hồi mới được phát hiện synesthesia bị coi là biểu hiện của bệnh hoang tưởng hoặc tự kỉ. Nhưng những năm gần đây các nhà khoa học đã dần xem nó như một tình trạng đặc biệt của cơ thể, thậm chí còn không phải là bệnh. Nghiên cứu cho thấy những người có synesthesia có xu hướng có trí nhớ tốt hơn người khác (Rothen & Meier 2010). Các nhà khoa học giải thích rằng vì những người có synesthesia thường sẽ có nhiều hơn một cách để ghi nhớ, hoặc nói đúng hơn, có thể nhìn thấy nhiều gợi ý hơn cho những thứ mà họ cần ghi nhớ. Ví dụ khi người ta bảo bạn ghi nhớ một dãy số dài 20 số trong 2-3 giây, người bình thường có thể sẽ đọc, có thể gộp 3-4 số lại thành một nhóm cho dễ nhớ, rồi lại đọc, nói chung là phải đọc đi đọc lại thì mới nhớ tốt được. Nhưng đối với những người có grapheme-color synesthesia thì khi họ đọc dãy số đó trong đầu, họ sẽ nhìn thấy trong đầu mình những màu sắc tương ứng với từng con số. Như vậy thì dù họ có quên, họ cũng sẽ kiểu “Ừm cái dãy đó nhìn như cầu vồng á, nên nó sẽ là abc def xyz bla bla” Và đương nhiên, trí nhớ tốt thì cũng có xu hướng thông minh hơn, học giỏi hơn.

    Ngoài ra thì Synesthesia cũng có yếu tố di truyền nữa. Giáo viên môn tâm lý của mình có synesthesia lai giữa spatial sequence và colored sequence. Mỗi khi bà ấy tưởng tượng trong đầu 12 tháng trong năm thì nó xếp theo hình chữ S và 30 ngày trong tháng theo hình xoắn ốc, với mỗi ngày trong tuần là một màu khác nhau. Và anh trai của bà ấy cũng có synesthesia tương tự. Nhưng thứ tự ngày tháng và màu sắc lại khác nhau.

    Người ta ước tính là khoảng 1-4% dân số có synesthesia. Hình bên dưới là tranh vẽ của họa sĩ Alexandra Hasenpflug, một họa sĩ có synesthesia và nhìn thấy màu sắc khi nghe nhạc. Bức này là cô í vẽ những gì cô í nhìn thấy khi nghe bài Hide n' Seek của Imogen Heap. Ngoài ra thì mọi người có thể search google "Alexandra Hasenpflug's painting" là ra một đống á, có nhiều bức đẹp lắm.

    Nhiều khi suy nghĩ, có khi nào nhiều họa sĩ tranh trừu tượng cũng có synesthesia không...


    Tổng hợp thông tin và viết bài: Cỏ
    Nguồn tham khảo:
    Eagleman, D., & Goodale, M. (2009). Why color synesthesia involves more than color. Trends in Cognitive Sciences, 13(7), 288–292. https://doi.org/10.1016/j.tics.2009.03.009

    Hubbard, E., & Ramachandran, V. (2005). Neurocognitive Mechanisms of Synesthesia. Neuron, 48(3), 509–520. https://doi.org/10.1016/j.neuron.2005.10.012

    Novich, S., Cheng, S., & Eagleman, D. (2011). Is synaesthesia one condition or many? A large‐scale analysis reveals subgroups. Journal of Neuropsychology, 5(2), 353–371. https://doi.org/10.1111/j.1748-6653.2011.02015.x

    Rouw, R., & Scholte, H. (2016). Personality and cognitive profiles of a general synesthetic trait. Neuropsychologia, 88, 35–48. https://doi.org/10.1016/j.neuropsychologia.2016.01.006

    Rothen, N., & Meier, B. (2010). Grapheme-colour synaesthesia yields an ordinary rather than extraordinary memory advantage: Evidence from a group study. Memory, 18(3), 258–264. https://doi.org/10.1080/09658210903527308



     
    Chỉnh sửa cuối: 21/7/21

Chia sẻ trang này